Thông tin quan trọng trên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, từ nay đến năm 2015, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường lập danh sách và tiến hành tập trung xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015.
Cùng với đó, sẽ di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề.
Trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020), 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định sẽ tiếp tục được xử lý.
Song song với đó, Đề án lựa chọn, xây dựng và áp dụng thử nghiệm 6 mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi phổ biến, nhân rộng ra các địa phương có các loại hình làng nghề tương tự.
Cùng thời điểm, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương thực hiện thí điểm xây dựng 3 mô hình khu, cụm công nghiệp làng nghề để di dời các công đoạn, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, Đề án tập trung cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước; các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn (lồng ghép với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn).
Ngoài ra, Đề án cũng đề cập tới việc triển khai lập quy hoạch tổng thể quản lý và phát triển làng nghề trên toàn quốc theo tính truyền thống, vùng nguyên liệu sản xuất, bản sắc văn hóa dân tộc…/.